Tổng giám đốc doanh nghiệp thương binh và khát vọng hòa bình

  21/09/2015

QĐND - Từ chiến trường, về hậu phương tập hợp các thương binh nặng vào cơ sở sản xuất bia, từ đó phát triển thành một doanh nghiệp mạnh với hơn 2000 nhân viên, trong đó có rất nhiều người thuộc đối tượng chính sách, sản xuất hàng thay thế hàng nhập khẩu... Khát vọng hòa bình của người tổng giám đốc doanh nghiệp thương binh đã từng bước trở thành hiện thực. Người tổng giám đốc đó là cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Hữu Đường...

“Không chết ở chiến trường, quyết không chết ở đời thường”

Năm 1974, vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết định, anh thanh niên Nguyễn Hữu Đường xung phong nhập ngũ. Sau 5 năm phục vụ trong quân đội, năm 1979, ông Đường trở về với đời thường và bắt đầu sự nghiệp với công việc của một người vận chuyển bia ở Hà Nội. Trong quá trình vận chuyển bia, ông đã tìm hiểu quy trình sản xuất bia, nhưng có lẽ chẳng ai nghĩ rằng, người CCB bình thường ấy sau này trở thành doanh nhân nổi tiếng trên thương trường.

Tổng giám đốc Nguyễn Hữu Đường (đứng giữa) trao nhà tình nghĩa tặng gia đình liệt sĩ-nhà văn Nguyễn Thi. Ảnh: Đoàn Danh Hải.

Vào thập kỷ tám mươi của thế kỷ trước, cuộc sống của người dân Thủ đô, trong đó có những thương binh nặng hết sức khó khăn. Với suy nghĩ “không chết ở chiến trường, quyết không chết ở đời thường”, năm 1981, ông Đường cùng với 9 thương binh nặng thành lập tổ hợp sản xuất bia và nước ngọt có ga. Đến năm 1987, tổ hợp chính thức mang tên Hòa Bình với ước mong các thành viên sẽ được sống trong khung cảnh hòa bình để lao động sản xuất và cống hiến cho Tổ quốc. Người lao động trong Tổ hợp thương binh nặng Hòa Bình phần lớn là thương binh và các đối tượng chính sách. Lúc ấy, sản lượng bia hơi ở Hà Nội rất khiêm tốn, trong khi đó, nhu cầu của thị trường lại rất lớn, nhiều nơi phải xếp hàng để mua bia hơi, hoặc muốn mua bia hơi phải mua kèm thêm một số sản phẩm khác. Cả Hà Nội lúc bấy giờ chỉ có Nhà máy Bia Hà Nội và Tổ hợp Hòa Bình sản xuất bia hơi. Chính vì thế, sản phẩm bia hơi của Tổ hợp Hòa Bình làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó và mang lại lợi nhuận khá lớn. Bình quân mỗi ngày, tổ hợp sản xuất và bán ra 30.000 lít bia hơi, tương đương với hai cây vàng. Cho đến thời điểm này, mặc dù thị trường đã xuất hiện thêm nhiều sản phẩm bia, nhưng các sản phẩm bia mang tên Hòa Bình hoặc liên doanh với Hòa Bình vẫn được người tiêu dùng tín nhiệm.

Sản xuất hàng thay thế hàng nhập khẩu

Năm 1989, Tổ hợp thương binh nặng Hòa Bình được nâng cấp và đổi tên thành Công ty TNHH Thương binh nặng Hòa Bình và từ năm 1998, doanh nghiệp được xuất, nhập khẩu trực tiếp, trong đó nhập khẩu chủ yếu là hạt đại mạch nảy mầm đã qua chế biến (Manlt) là nguyên liệu chủ yếu để sản xuất bia. Trong quá trình nhập khẩu Malt, ông Đường phát hiện nhiều đối tác nước ngoài đã bán Malt chất lượng kém vào Việt Nam và ông nung nấu quyết tâm mở nhà máy sản xuất Malt ngay tại Việt Nam.

Khi biết ý tưởng của ông Đường sẽ sản xuất Malt tại Việt Nam, nhiều nhà cung cấp nước ngoài cho rằng: "Ý định điên rồ", "không thể sản xuất Malt tại Việt Nam vì thời tiết, khí hậu không cho phép"... "Các doanh nghiệp lớn còn chưa sản xuất được, công ty của thương binh nặng làm sao nổi"...

Với ý chí của những anh Bộ đội Cụ Hồ, nhà máy sản xuất Malt đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á vẫn được ra đời tại khu công nghiệp Tiên Sơn (Bắc Ninh). Malt của Hòa Bình chất lượng không thua kém gì sản phẩm nhập khẩu nhưng vừa ra đời đã bị các nhà cung cấp của nước ngoài chống phá. Họ khuyên ông Đường dừng sản xuất không được bèn đua nhau hạ giá sản phẩm của mình, Công ty Hòa Bình đành phải hạ giá theo, chấp nhận lỗ. Thế nhưng, họ cũng không thể hạ mãi sản phẩm của mình và Công ty TNHH Thương binh nặng Hòa Bình lại giành thắng lợi với sản phẩm này.

Trước nhu cầu của thép không gỉ (i-nốc) khổ lớn tại Việt Nam, năm 2008, ông Nguyễn Hữu Đường đã quyết định đầu tư 1000 tỷ đồng để làm nhà máy cán thép không gỉ khổ rộng 1,4m. Đây là nhà máy cán thép khổ lớn đầu tiên do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Việt Nam. Đến năm 2013, nhà máy đã chính thức đi vào sản xuất và sản phẩm của nhà máy được đánh giá đạt chất lượng quốc tế, hiện đã chiếm khoảng 30-40% thị phần trong nước, thay thế hàng nhập khẩu.

Để quảng báo, cổ vũ người Việt Nam dùng hàng Việt Nam thay thế hàng nhập khẩu, ông Đường đã đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao tại khu căn hộ cao cấp 505 Minh Khai (Hà Nội).

Ông Đường tâm sự :"Hàng hóa của Việt Nam chất lượng tốt nhưng lại phải qua các trung tâm thương mại nên giá bị đội lên, hàng Việt Nam khó phát triển. Trong khi hàng nước ngoài lại quảng cáo mạnh lấn át hàng Việt Nam. Tôi khẳng định, hàng hóa trong trung tâm thương mại do tôi đầu tư sẽ chất lượng tốt nhất, giá rẻ nhất. Tôi không lấy lãi trong một số năm đầu để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển”.

Hiện nay, trung tâm thương mại này đang trong giai đoạn hoàn thiện và dự kiến vào khoảng tháng 9 tới sẽ đưa vào sử dụng. Ông Đường dự định: "Ngay tại sảnh của trung tâm thương mại, tôi sẽ ghi dòng chữ rất lớn: "Nếu là người Việt Nam không ủng hộ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, đất nước không phát triển, con cháu sẽ mãi mãi sống trong nghèo nàn, lạc hậu".

Ân nghĩa với đồng đội và những người đi trước

Ông Nguyễn Hữu Đường luôn tâm niệm rằng, có được ngày hôm nay là biết bao xương máu của đồng đội, của các bậc tiền nhân. "Chúng tôi từng là những chiến binh, luôn đau đáu trong lòng rằng, trước sau gì cũng đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Khi xuống đó gặp những đồng đội đã hy sinh, anh em sẽ hỏi rằng, các anh làm được những gì cho đất nước, trong khi chúng tôi hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc mà chưa được hưởng một ngày hạnh phúc, bình yên..."-ông Đường đã tâm sự với chúng tôi như vậy. Đó là lý do để ông Nguyễn Hữu Đường, những thương binh và người lao động của Công ty TNHH Hòa Bình không tiếc công, tiếc của cho hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn. Năm 2003, công ty tiến hành xây dựng đền thờ, đúc chuông, đúc tượng Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ; năm 2005, cung tiến quả chuông nặng 1,2 tấn tại Đền thờ Bác Hồ ở đèo De, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên; năm 2007, đúc tượng Bác Hồ cung tiến đền thờ các anh hùng liệt sĩ toàn quốc ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; xây dựng tháp chuông và cung tiến hai quả chuông, mỗi quả nặng 1,2 tấn tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Năm 2011, công ty đúc quả chuông 1,2 tấn dâng tặng nghĩa trang Quảng Ngãi, v.v… Công ty còn chi hàng tỷ đồng ủng hộ các quỹ: Vì người nghèo, Tấm lòng vàng, Tấm lòng Việt; ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt trên khắp đất nước. Năm 2014 này, Công ty TNHH Hòa Bình đang xây tặng một trung tâm tiếp đón thân nhân gia đình liệt sĩ ở Thành cổ Quảng Trị.

Sự ân nghĩa lớn nhất với đồng đội của Tổng giám đốc Nguyễn Hữu Đường là doanh nghiệp của ông đã đón nhận rất nhiều thương binh, bệnh binh và các đối tượng chính sách vào làm việc. Bản thân tổng giám đốc và các cán bộ của doanh nghiệp luôn hết lòng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần để đồng đội yên tâm làm việc, sống khỏe, sống vui. Hằng năm, đối với các học sinh là con thương binh đang làm việc tại công ty học giỏi, mỗi cháu được công ty thưởng 5 triệu đồng. Nếu các cháu thi đỗ vào đại học, công ty mua tặng mỗi sinh viên một xe máy. Gia đình nào có khó khăn về chỗ ở, đơn vị hỗ trợ kinh phí để nâng cấp nhà. Ngoài ra, đối với hàng nghìn công nhân đang lao động trong các cơ sở sản xuất, công ty bảo đảm tiền lương đủ sống so với mức lương trung bình của xã hội; tổ chức bữa ăn trưa miễn phí và có chế độ nghỉ mát thường xuyên hằng năm.

Mới đây, Công ty TNHH Hòa Bình đã ủng hộ 100 triệu đồng, nhờ Báo Lao Động chuyển tới các cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển và Kiểm ngư đang ngày đêm bám biển kiên cường, dũng cảm, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Tổ quốc, trước nhân dân.

Cũng vì luôn đau đáu trong lòng rằng, đến lúc nhắm mắt xuôi tay chưa làm được nhiều cho Tổ quốc, ông Nguyễn Hữu Đường luôn trăn trở về sự phát triển bền vững đất nước. Khát vọng hòa bình của anh Bộ đội Cụ Hồ luôn bùng cháy trong ông. Đã nhiều lần, Tổng giám đốc Nguyễn Hữu Đường viết thư gửi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bày tỏ quan điểm của mình về phát triển kinh tế đất nước, trong đó có các kiến nghị cụ thể về những giải pháp chấn hưng nền kinh tế, vực khối doanh nghiệp trong nước, sản xuất hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu...

Mới đây, các thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã lắng nghe những ý kiến tâm huyết và đánh giá cao về đề án phát triển kinh tế của CCB Nguyễn Hữu Đường.

Khát vọng hòa bình vẫn bùng cháy trong tim tổng giám đốc doanh nghiệp thương binh..
.