Ông Đường người đã chi hàng chục triệu USD, vào một cuộc chiến mới, đó là cuộc chiến để giúp cho nền kinh tế Việt Nam độc lập hơn và chống lại sự tràn ngập của hàng hóa nước ngoài, đặc biệt là hàng Trung Quốc.
Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng, tuy nhiên các doanh nghiệp nhỏ  lại đang bị "ngộp thở" trước sức ép của các đại công ty nước ngoài, cũng như dòng hàng hóa giá rẻ trị giá hàng tỉ USD từ Trung Quốc, đè bẹp các sản phẩm sản xuất trong nước.
Ông Đường có một kế hoạch thoát khỏi điều đó, mặc dù ông nói đó không phải một nỗ lực chống lại hàng Trung Quốc, nhưng lại là cách để nuôi dưỡng các công ty non trẻ, khi ông mở một Trung tâm Thương mại mang tên V+ tại Hà Nội và cho các công ty thuê chỗ kinh doanh miễn phí trong 50 năm nếu họ cam kết chỉ bán hàng được sản xuất trong nước.
Ông còn vận động chính phủ để nhân rộng mô hình của ông ra cả nước, như là một hành động thiết thực để ngăn chặn việc hàng ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa mỗi năm và khuyến khích người dân sử dụng hàng trong nước.
"Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa khắp thế giới với giá cả cực kỳ thấp và điều đó đang gây ra áp lực rất lớn đến nền kinh tế và sản xuất của Việt Nam", ông Đường nói với Reuters.
"Tôi là một doanh nhân, tôi hiểu lý do tại sao các doanh nghiệp không thể phát triển. Nếu không có hành động, doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị xóa sổ", ông nói thêm.
Nỗi lo từ hàng Trung Quốc
Sự phụ thuộc của kinh tế Việt Nam với người láng giềng khổng lồ của mình cũng là đối tác thương mại lớn nhất được xem là một nỗi cay đắng của người dân, nhất là với quá khứ xâm lược của người Trung Quốc với Việt Nam.
Kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào Trung Quốc, 3/4 số hàng hóa và Việt Nam nhập khẩu tương đương với giá trị 60 tỉ USD là đến từ Trung Quốc. Nhưng kim ngạch đó lại "chẳng là gì" với Trung Quốc khi mà nước này xuất khẩu với kim ngạch lên tới 2.300 tỉ USD vào năm 2014.
Mới đây, Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ gây nên sự lo sợ trong cộng đồng doanh nghiệp Việt, khi mà hàng Trung Quốc có thể tràn ngập thị trường hơn vì giá quá rẻ.
Ngân hàng nhà nước, ngay lập tức đã phải thực hiện kế hoạch phòng thủ của mình bằng cách mở rộng biên độ giao dịch của tiền đồng với USD hai lần liên tiếp trong sáu ngày.
Sứ mệnh giải cứu nền kinh tế
Từng là một lái xe xích lô sau khi chiến tranh kết thúc, ông Đường 61 tuổi, cho biết ông đã trải qua những thời gian khó khăn nhất và khởi sắc từ nhà máy bia Hòa Bình. 
Ông Đường tuyên bố sẽ dành một nửa tài sản của ông để giúp Việt Nam xây dựng một nền tảng vững chắc cho các doanh nghiệp nhỏ.
Ông Đường người được biết đến với biệt danh ”Đường Bia”, cho biết ông đã dành 27 triệu đô la để xây dựng Trung tâm Thương mại V+ và đã cho mở cửa từ tháng 2. 
Trung tâm này sẽ giúp các công ty nhỏ giảm các chi phí và từ đó làm giảm giá bán. V+ bán tất cả mọi thứ từ túi xách, giày đến đồ trang trí. 
Ông Đường cho biết: “Giá tốt, chất lượng tốt. Đây phải là một trong những địa điểm mua sắm rẻ nhất trong khu vực Đông Nam Á”.
Ông Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết, sự mất cân bằng thương mại “gây khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp” và bóp nghẹt tính cạnh tranh của hàng nội địa.
Bất chấp việc người Việt Nam không muốn sử dụng hàng hóa Trung Quốc, thì với mức giá hấp dẫn của nó sẽ là không thể tránh khỏi trong trường hợp các doanh nghiệp Việt nhỏ thiếu vốn và với các gia đình có mức thu nhập khiêm tốn.
Ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho biết, mô hình của V+ cho thấy một mục đích tốt nhưng chính phủ nên hướng cho các doanh nghiệp và nuôi dưỡng các doanh nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực có tính cạnh tranh nhất. 
Ông nói: “Cần có một sự thay đổi trong tư duy và đánh giá lại vai trò của chính phủ, với sự hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp có mục tiêu”.
"Chính phủ cần phải có bước đi dành các khoản trợ cấp theo hướng dành cho các công nghiệp và các doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh và hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu".
Ở tầm vĩ mô, Việt Nam đang tìm cách để thoát khỏi việc dựa vào kinh tế Trung Quốc, bằng cách hướng tới các nền kinh tế khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu và Mỹ khi theo đuổi các hiệp ước tự do thương mại với hơn 60 nước, đặc biệt là việc đàm phán TPP với các đối tác châu Á -Thái Bình Dương.
Trận "đánh lớn" của vị đại gia yêu nước
Trung tâm thương mại V+ của ông Đường hiện nay hoạt động không thực sự tốt, khi mà chỉ có hai tầng được lấp đầy và ba tầng trên cao thì bỏ trống. Nhưng ông cho rằng đây chỉ là sự khởi đầu trong "cuộc chiến" của mình.
"Các doanh nghiệp Việt Nam đang hấp hối, chúng tôi phải làm điều gì đó", ông nói. 
"Chúng tôi là quốc gia đã đánh bại hai siêu cường. Tôi không muốn nước mình trở thành quốc gia của những người làm thuê cho người khác".
Để thực hiện mong muốn của mình, ông Đường đã bán đứt tòa tháp quốc tế cao 22 tầng trị giá 735 tỉ đồng của mình trên một tuyến phố lớn của Hà Nội.
Ông Nguyễn Hữu Đường quyết định dùng số tiền 735 tỉ đồng này nhân rộng mô hình Trung tâm Thương mại V+ của mình trên khắp các tỉnh thành của Việt Nam trong ba năm tiếp theo.
Thiên Hà (theo Business Insider)